Khai mạc Lễ hội đền Mẫu Thượng, chùa Quang Sơn xuân Giáp Thìn năm 2024

Cập nhật: Thứ hai, 08/04/2024

Tối ngày 7/4, tại sân vận động xã Quang Sơn, Ban tổ chức Lễ hội đền Mẫu Thượng, chùa Quang Sơn long trọng tổ chức Khai mạc Lễ hội đền Mẫu Thượng, chùa Quang Sơn xuân Giáp Thìn năm 2024. Đây cũng là năm đầu tiên khôi phục lễ hội trong hơn 40 năm kể từ khi thành lập xã.

Đại biểu dự Lễ Khai mạc.

Dự Lễ Khai mạc có đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND, UBMTTQ Việt Nam thành phố; Đại đức Thích Thanh Phú, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Tam Điệp, Trụ trì chùa Quang Sơn; lãnh đạo Ban Tôn giáo Sở Nội vụ tỉnh; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Thành ủy; Phòng an ninh Tôn giáo Công an tỉnh; đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Công an thành phố; Ban chỉ huy Quân sự thành phố; lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể thành phố; Ban Quản lý các di tích lịch sử đã được xếp hạng trên địa bàn thành phố; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, UBMTTQ Việt Nam xã; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Quang Sơn qua các thời kỳ; các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam các xã, phường trên địa bàn thành phố và xã Quảng Lạc, xã Phú Long huyện Nho Quan; các vị chư tôn Đức, tăng nhân chùa Quang Sơn hiện tiền chứng minh; Trưởng các cơ quan đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội xã Quang Sơn, Bí thư Chi bộ, thành viên Ban Công tác mặt trận, Trưởng, phó các thôn xã Quang Sơn; đại biểu các cơ quan, các đơn vị quân đội, doanh nghiệp trên địa bàn cùng Nhân dân và du khách thập phương đã về dự.

Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Đảng uỷ viên, phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban tổ chức lễ hội phát biểu khai mạc lễ hội

Phát biểu khai mạc lễ hội đồng chí Trưởng Ban tổ chức đã nêu khái quát về Cụm Di tích lịch sử văn hóa Chùa Quang Sơn và Đền Mẫu thượng nằm trên địa bàn thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh vào năm 2012. Chùa Quang Sơn tên hiệu là Viên Quang tự, là công trình kiến trúc Phật giáo thờ Phật. Xưa kia vị trí chùa nằm tại thôn Tân Trung. Trải qua 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Chùa được Nhân dân trong vùng phục dựng lại và tọa lạc bên cạnh đền Mẫu Thượng, tại vị trí ngày nay (thuộc thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn). Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo ngôi chùa có được cảnh quan trang nghiêm như hiện nay. Đền Mẫu Thượng được xây dựng từ thời Lê, là nơi thờ thánh mẫu Liễu Hạnh là thần chủ của đạo mẫu, tại đây bà được ngồi vào ghế Thượng Thiên, ngoài ra còn thờ Mẫu Thượng ngàn - Mẫu Thoải, Đức Thánh Trần (tức Trần Hưng Đạo).
Lễ hội truyền thống Đền Mẫu Thượng – Chùa Quang Sơn là một trong các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, đó là ngày kỵ Mẫu (mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm). Đây là ngày mở hội, là ngày lễ lớn nhất tại đền nhằm tưởng nhớ công ơn đức Thánh mẫu, lễ Phật kỳ an, kỳ phúc và tri ân các bậc tiền nhân đã đem lại bình an, giúp nhân dân lao động, sản xuất; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

 Xác định rõ, lễ hội truyền thống giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng; là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng, xã Quang Sơn đã tổ chức khôi phục lại Lễ hội truyền thống đền Mẫu Thượng - chùa Quang Sơn xuân Giáp Thìn năm 2024. Lễ hội được diễn ra từ ngày 6-11/4/2024.

Chương trình văn nghệ với các tiết mục được dàn dựng công phu đa dạng các loại hình nghệ thuật tại đêm Khai mạc Lễ hội.

Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu và đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên không chuyên, các phật tử cùng lực lượng học sinh các trường học trên địa bàn xã và Trường THPT Nguyễn Huệ. Chương trình nghệ thuật được đầu tư xây dựng công phu, quy mô hoành tráng theo hình thức nghệ thuật tổng hợp góp phần làm nổi bật không gian lễ hội, giá trị, sức sống của di sản văn hóa. Với các ca khúc, điệu múa đặc sắc ca ngợi văn hóa quê hương, ca ngợi Tổ quốc và những miền di sản Việt Nam… đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, múa, hầu đồng; với các thể loại chèo, hát xẩm, … Qua đó, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn về sức sống cũng như ý nghĩa của sự gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa qua các thế hệ.

Lễ rước kiệu tại Đền mẫu Thượng – Chùa Quang Sơn đến Sân vận động xã sáng ngày 7/4.

Công tác tổ chức Lễ hội được đầu tư rất bài bản, công phu cả Phần Lễ (tế, lễ theo phong tục tập quán truyền thống) và Phần Hội với mong muốn sẽ làm sống lại một Lễ hội đặc sắc, với nhiều nét văn hóa truyền thống, một sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh độc đáo. Trong thời gian Lễ hội, từ ngày 6-7/4, có gần 20 hoạt động, nội dung giàu bản sắc văn hóa được tổ chức. Trong đó có Lễ cáo yết, đặc sắc nhất là Lễ rước kiệu từ sân chùa Quang Sơn và Đền Mẫu Thượng đến Sân vận động xã thu hút đông đảo người dân tham dự.

Đồng chí Vũ Công MInh, Thành uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã đánh trống khai mạc các hoạt động văn hoá, văn nghệ ,TDTT và các trò chơi dân gian tại lễ hội.

Các trò chơi dân gian được tổ chức tại Lễ hội thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân địa phương.

Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động ở Phần Hội là thi văn hoá văn nghệ, TDTT và trò chơi dân gian được tổ chức tưng bừng, vui tươi, sôi nổi mang đậm bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh thần thượng võ, đoàn kết, thu hút sự tham gia của các đội chơi đến từ 11 thôn trên địa bàn xã và du khách thập phương. Như cắm hoa nghệ thuật, cờ tướng, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, bắt chạch trong chum, bịt mắt đập niêu, kéo co, nấu cơm niêu, nhảy bao bố, giao lưu cờ người, thi chữ viết đẹp, viết thư pháp, văn nghệ. Ngoài ra tại lễ hội còn có các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương và các đơn vị bạn 

Trao giải các trò chơi dân gian được tổ chức tại Lễ hội.

Kết thúc Hội thi văn hoá, văn nghệ, TDTT tại lễ hội Ban tổ chức đã tiến hành trao giải cho các môn thi tại lễ hội.

Lễ hội sẽ được tổ chức thường niên, là điểm đến trong hành trình văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội của nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương, nhằm bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể với giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt; khẳng định những nỗ lực cố gắng của cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa;  tạo ra sức bật mới, góp phần xây dựng quê hương Quang Sơn và thành phố Tam Điệp ngày càng phát triển.
                                                                                   

 Kim Dung - Hoàng Bình

Một số hình ảnh